PR & Tổ chức sự kiện

3 làn sóng sẽ thay đổi cuộc chơi truyền thông, quảng cáo tại Việt Nam

3 làn sóng sẽ thay

14/08/2019 10:16:02 PM | 1884

Chapros - Chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0 với những tiến bộ vượt trội về công nghệ và xuất hiện thêm marketing kỹ thuật số. Ngành marketing, truyền thông, quảng cáo nói chung thay đổi như thế nào?

Sống và làm việc ở Việt Nam 5 năm, ông Anand Krishnan, Giám đốc điều hành của MediaCom, một trong những công ty dịch vụ truyền thông (agency) hàng đầu, nhận định rằng thị trường Việt Nam đã trưởng thành lên rất nhiều so với hồi ông mới đặt chân đến.

Tôi nhớ lại 10 năm trước, việc xây dựng kế hoạch marketing vô cùng đơn giản. Thời đó, kênh chủ đạo để tiếp cận người tiêu dùng vẫn là quảng cáo trên tivi. Chúng tôi chỉ việc xây dựng kế hoạch tiếp cận người tiêu dùng thông qua tivi với một vài băng rôn và thế là xong!

Hoặc như thời điểm tôi mới đến Việt Nam khoảng 5 năm trước, khi cách mạng công nghiệp mới chớm bắt đầu, mọi thứ còn tương đối đơn giản. Ví dụ như quảng cáo trên YouTube chẳng hạn, vẫn còn mới mẻ với người Việt thời ấy.

Giờ mọi thứ đã khác. Công nghệ phát triển, mạng xã hội phát triển, các nền tảng kỹ thuật số cũng có những tiến bộ vượt bậc, ngành truyền thông, quảng cáo theo đó cũng có nhiều thay đổi.

Thay đổi không chỉ đến từ phía người tiêu dùng tiếp cận và ứng xử với truyền thông như thế nào mà còn từ phía các doanh nghiệp - làm thế nào để tận dụng sự phát triển này.

Truyền thông kỹ thuật số là chìa khóa mở cánh cửa tương lai. Trước mắt theo tôi có 3 làn sóng lớn có thể thay đổi cuộc chơi trong ngành.

Đó là: mạng xã hội, thương mại điện tử và số liệu.

Đầu tiên là mạng xã hội. Chúng ta có thể thấy mạng xã hội nổi lên rất mạnh mẽ vài năm gần đây và trở thành một trong những kênh quan trọng để người tiêu dùng tiếp cận với truyền thông, quảng cáo. Người làm marketing do đó tận dụng xu hướng này để lên các kế hoạch sao cho phù hợp với làn sóng mạng xã hội ngày càng lớn này.

Tiếp theo là về thương mại điện tử. Thương mại điện tử ở Việt Nam đang trên đà phát triển và Việt Nam có đầy đủ hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển này. 5 năm tới sẽ là sự bùng nổ của lĩnh vực này.

Cuối cùng là cách chúng ta tận dụng số liệu. Khoảng 5-10 năm trước không có nhiều nguồn số liệu để làm nghiên cứu thị trường hay đưa ra các kế hoạch marketing. Hiện nay cục diện đã thay đổi rất nhiều. Có rất nhiều nguồn dữ liệu có sẵn mà các công ty có thể dùng được. Do đó cách nghiên cứu thị trường và đưa ra các chiến dịch cũng thay đổi theo.

* Vậy những người làm marketing nói chung gặp những thách thức gì?

Trong thời đại của công nghệ như hiện nay, thách thức lớn nhất chính là việc nhận ra xu hướng mới và những cơ hội đi kèm xu hướng đó.

Nhận ra xu hướng đã khó nhưng bắt kịp xu hướng càng khó hơn. Mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng, cần phải thích nghi nếu không muốn bị tụt hậu.

Với những agency như chúng tôi, thách thức chính là đón đầu các xu hướng này thế nào để tạo ra các giá trị cho khách hàng.

Tuy nhiên thách thức thì luôn đi kèm với cơ hội.

* Cơ hội đó là...?

Trong khoảng 5-10 năm tới, tôi tin kỹ thuật số vẫn rất phát triển, đặc biệt mảng liên quan đến điện thoại thông minh và mạng xã hội sẽ là “con át chủ bài”. Do vậy nếu tận dụng mạng xã hội để đưa ra những kế hoạch truyền thông thân thiện với điện thoại thông minh sẽ là xu hướng của 10 năm nữa.

Công nghệ cũng đang rất phát triển và có nhiều công cụ hỗ trợ xây dựng chiến lược marketing. Nếu làm chủ được công nghệ, biết cách sử dụng các công cụ thành thạo, bạn sẽ giúp bản thân mình nổi trội.

* Các nhãn hàng lớn, công ty đa quốc gia thường có những quy chuẩn về chiến dịch truyền thông, marketing hết sức ngặt nghèo và chặt chẽ. Là agency cho nhiều nhãn hàng như vậy, có thể kể đến Coca-Cola hay P&G, MediaCom gặp khó khăn gì không?

Không chỉ các thương hiệu đa quốc gia, chúng tôi cũng rất vinh dự được làm việc với những thương hiệu Việt như Vinamilk hay Masan.

Thực ra các khung hướng dẫn hay quy chuẩn đó đều dựa trên những kinh nghiệm quốc tế. Chúng cũng đưa ra một số những gợi ý để đạt được mục tiêu cuối cùng. Do đó, thực tế chúng lại là chỉ dẫn rất tốt cho những agency như chúng tôi khi lập kế hoạch truyền thông cho nhãn hàng.

Nói cách khác, các khung hướng dẫn đó không hẳn là thách thức mà còn là cơ hội học tập với chúng tôi là đằng khác.

* Làm việc với cả đối tác ngoại và đối tác Việt Nam, ông thấy việc xây dựng kế hoạch hoặc đưa ra những giải pháp marketing cho các nhóm nhãn hàng này có gì khác nhau?

Dù là nhãn hàng đa quốc gia hay nhãn hàng nội thì mục tiêu cuối cùng khi chúng tôi xây dựng kế hoạch, giải pháp truyền thông vẫn giống nhau: Giúp khách hàng phát triển kinh doanh. Cốt lõi của thành công không phân biệt nhãn hàng đa quốc gia hay nhãn hàng trong nước.

Tất nhiên thông điệp quảng cáo đưa ra vẫn cần được truyền tải đến các nhóm đối tượng mục tiêu.

* Nhiều khách hàng lớn của MediaCom thuộc nhóm ngành bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Một số quảng cáo thuộc nhóm ngành này từ lâu vẫn thường phóng đại sự thật, thậm chí còn đánh vào tâm lý sợ hãi của người tiêu dùng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Cách quảng cáo này theo tôi đã hơi lỗi thời rồi. Internet ở khắp mọi nơi và sẽ chỉ mất 2 giây để người dùng kiểm chứng xem thông tin đó là đúng hay sai, có bị phóng đại hay không. Những quảng cáo phóng đại thường hay nhận được những phản hồi tiêu cực từ phía người tiêu dùng, và đó là điều không nhãn hàng nào mong muốn. Nói chung các nhãn hàng đều phải chịu trách nhiệm với thông điệp họ đưa ra, nhất là trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, họ càng phải thận trọng hơn bao giờ hết.

* Với công nghệ quảng cáo trực tuyến, làm thế nào để đảm bảo an toàn thương hiệu?

Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với khách hàng và cả các bên liên quan khác để đảm bảo thông điệp chuyển ra đúng, xuất hiện trong môi trường sạch, không mang tính chất công kích với đối tượng của thương hiệu. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc sát sao với các nhà xuất bản tin tức và sử dụng một số công cụ theo dõi để đảm bảo an toàn thương hiệu cho khách hàng.

* Ông ấn tượng với chiến dịch quảng cáo/truyền thông nào nhất trong năm qua?

Chiến dịch gây ấn tượng nhất với tôi là của Burger King và Mars. Những quảng cáo này đều ít nhiều hàm chứa những yếu tố liên quan đến công nghệ: phản hồi trên mạng xã hội, hoặc chớm của trí tuệ nhân tạo và cũng gắn liền với điện thoại di động.

Đồng thời hai quảng cáo này còn kích thích trí tò mò rất lớn từ phía người tiêu dùng.

* Đó là trên quy mô thế giới, vậy còn ở Việt Nam thì sao?

Tôi đặc biệt thích chiến dịch “Share a Coke” (tạm dịch: Trao Coca-Cola, kết nối bạn bè) tận dụng các biểu tượng cảm xúc vốn là trào lưu vào thời điểm đó (và bây giờ cũng vẫn vậy) ở các bạn trẻ.

Chúng ta thấy những biểu tượng cảm xúc đó trên các lon Coke và có thể chọn cho mình một lon Coke có biểu tượng cảm xúc mà mình thích. Điều này tạo ra sự kết nối thú vị giữa nhãn hàng và người tiêu dùng, và người tiêu dùng với nhau. Cho đến bây giờ đây vẫn là một quảng cáo mà tôi vô cùng tâm đắc.

* Trên thị trường hiện nay có rất nhiều agency, trong nước lẫn nước ngoài. Điều gì khiến MediaCom trở nên đặc biệt?

Theo tôi đó là yếu tố con người. Tại MediaCom, chúng tôi từ rất lâu theo tôn chỉ “Con người là đầu tiên” (People First) - hướng đến các khách hàng, đặt khách hàng lên đầu. Mỗi khách hàng, chúng tôi đều có cách tiếp cận khác nhau, và luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu được nhu cầu của khách hàng từ đó đưa ra những tư vấn cũng như chiến lược hoặc nghiên cứu chuẩn phù hợp nhất.

* Đó là về phía khách hàng, vậy còn về phía nhân viên thì sao?

Với nhân viên cũng vậy, vẫn là tôn chỉ “con người là trên hết”. Tôi luôn tin rằng nhân viên là tài sản số 1 và là một trong những yếu tố giúp chúng tôi trở nên khác biệt. Các agency khác nhau có những công cụ, chuẩn mực khác nhau nhưng điều làm nên khác biệt chính là cách chúng ta sử dụng chúng. Tại MediaCom, chúng tôi có sự kết hợp hài hoà giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Các nhân viên kể cả tôi đều làm việc với tất cả sự hứng khởi và tự hào với công việc - đó là văn hoá doanh nghiệp của chúng tôi.

* Đã từng công tác tại Ấn Độ, Trung Quốc, nay là Việt Nam. Ông đánh giá thị trường Việt Nam thế nào? Ông có gặp trở ngại gì khi công tác tại Việt Nam không?

Tôi không gặp trở ngại nhiều lắm. Việc làm việc ở các thị trường khác nhau cho tôi cơ hội được tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau và từ đó giúp tôi thích ứng được với những môi trường khác nhau.

Thực tế tôi làm việc chủ yếu ở châu Á nên những khác biệt về văn hóa cũng như phong tục truyền thống không quá nhiều. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh con người, cách họ tiếp cận vấn đề thì hiển nhiên mỗi quốc gia đều có sự khác biệt. Ví dụ như ở Việt Nam, theo như tôi quan sát, người Việt rất cởi mở và hòa nhã, đặc biệt họ có tính tò mò rất cao, luôn muốn trải nghiệm những điều mới mẻ.

* Có rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam chọn chuyên ngành marketing, lời khuyên của ông là gì dành cho họ?

Marketing là một ngành khá thử thách. Không có con đường tắt nào đến thành công. Cả một hành trình đang chờ đợi bạn ở phía trước và đương nhiên sẽ có rất nhiều chông gai. Bạn phải bắt đầu từ những vị trí thấp nhất, học hỏi, trau dồi kỹ năng dần dần và bước từng bậc thang để tiến đến thành công.

Theo tôi với một marketer tò mò là một đức tính rất quan trọng. Người làm marketing luôn phải tìm tòi, khám phá những cái mới. Ngoài ra cũng cần khả năng thích ứng tốt bởi sẽ có rất rất nhiều lần mọi thứ không theo như kế hoạch đã đề ra.

* Tóm lại theo ông 3 từ để phác họa phẩm chất của một marketer lý tưởng là?

Tính tò mò, Khả năng thích ứng và Kiên trì.

Ảnh: Lê Quân 
Đồ họa: Như Ý 

* Nguồn: Zing News


Đóng góp và Phản hồi bài viết

2 bản ghi được tìm thấy.

khoảng 6 năm
Hoàng Văn Nam

Bài viết hay

khoảng 6 năm
Tung Le 444

Marketing là một ngành khá thử thách. Không có con đường tắt nào đến thành công. Cả một hành trình đang chờ đợi bạn ở phía trước và đương nhiên sẽ có rất nhiều chông gai. Bạn phải bắt đầu từ những vị trí thấp nhất, học hỏi, trau dồi kỹ năng dần dần và bước từng bậc thang để tiến đến thành công.


Bài viết cùng chuyên mục

• Đường chạy thổn thức hàng triệu trái tim (01/12/2023)

• Làm thế nào để khiến cho khách hàng tiếp thị thay bạn? (14/08/2019)

• Truyền thông nội bộ tại Việt Nam đang có nhu cầu tăng cao? (14/08/2019)

• Vì sao doanh nghiệp cần tổ chức sự kiện? (30/07/2018)


Các bài mới

• 2024 Home Show Vietnam (09/04/2024)

• Đi Mỹ theo diện EB3 (26/03/2024)

• Ý TƯỞNG THIẾT KẾ GIAN HÀNG TRIỂN LÃM (01/12/2023)

• Triển lãm Thực Phẩm và Đồ Uống tại SECC - Tp HCM, ICE -Hà Nội năm 2023. (01/12/2023)

Tags: tư vấn truyền thông chapros hội chợ triển lãm du học canada